09:49 11/04/2019
Môn Ngữ văn trong nhà trường THCS từ lâu đã là môn học có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, thiết thực đối với học sinh. Nhưng dạy học như thế nào cho có hiệu quả cao, tạo sự hứng thú say mê môn học cho học sinh quả là một vấn đề rất lớn, là mối quan tâm từ các nhà quản lí giáo dục đến giáo viên cùng toàn xã hội. Mặc dù đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học, song một thực tế ở môn Ngữ văn hiện nay trong nhà trường THCS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó phân môn tập làm văn được xem là khó vì thực chất kĩ năng làm bài của HS rất hạn chế. Khi viết bài theo yêu cầu đa số HS rất lúng túng không biết phải viết cái gì và viết như thế nào.Chương trình Ngữ văn THCS tập trung vào 6 kiểu bài, bao gồm: miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh, hành chính công vụ.Kiểu bài nào cũng cần phải rèn luyện cho HS kĩ năng viết bài, nghĩa là kĩ năng tạo lập văn bản. Trong sáu kiểu bài đó thì kiểu bài nghị luận là kiểu bài mà HS gặp nhiều khó khăn khi tạo lập một văn bản đảm bảo thuyết phục được người đọc(người nghe).Văn nghị luận là loại văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng nào đó đối với các sự việc, hiện tượng trong đời sống hay trong văn học bằng các luận điểm, luận cứ và lập luận. Có hai kiểu bài nghị luận, đó là nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Trong những năm gần đây kiểu bài nghị luận đã trở thành tiêu chí đánh giá đối với học sinh không chỉ trong những bài kiểm tra, thi học sinh giỏi, thi vào lớp 10 và ngay cả thi tốt nghiệp THPT rồi đến kì thi Đại học. Như chúng ta đã biết trong cấu trúc đề thi thuộc môn Ngữ văn lớp 9 từ kì thi khảo sát chất lượng cuối năm, thi tuyển sinh vào lớp 10, thi học sinh giỏi các cấp đều có hai phần, cụ thể là phần đọc-hiểu và phần làm văn. Trong đó phần làm văn tập trung vào hai kiểu bài nghị luận đó là nghị luận xã hội và nghị luận văn học chiếm khoảng từ 70% đến 80% số điểm của toàn bài thi. Văn nghị luận xã hội đặc biệt được chú trọng, kiểu bài này yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội theo yêu cầu. Rèn kĩ năng viết văn nghị luận xã hội giúp học sinh không chỉ hoàn thiện kĩ năng trình bày quan điểm của mình, mà còn cung cấp tri thức vô cùng phong phú về những vấn đề xã hội. Thế nhưng thách thức đặt ra đối với học sinh và giáo viên cũng không phải là nhỏ. Bởi vì học sinh vốn đã ngại viết văn và thường phụ thuộc tài liệu, làm bài thì còn sao chép nhiều , kiến thức về xã hội còn hạn chế, tài liệu tham khảo nghị luận xã hội không nhiều, kĩ năng làm bài chưa thuần thục, dung lượng một bài không được quá dài, chỉ được viết trong một thời gian ngắn về một vấn đề trong cuộc sống chứ không phải cố định ở một văn bản trong sách giáo khoa...Tất cả những điều đó tạo nên áp lực, gây khó khăn cho học sinh. Là một giáo viên đã nhiều năm trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn lớp 9, theo sát công cuộc đổi mới của ngành. Trước thực tế đó, tôi thiết nghĩ cần phải chia sẻ những kinh nghiệm rèn luyện cho HS viết văn nghị luận xã hội đạt kết quả cao để bạn bè đồng nghiệp có thể vận dụng trong dạy học kiểu bài nghị luận xã hội ở môn Ngữ văn lớp 9. Với sự trăn trở tìm tòi trong quá trình giảng dạy tôi đã áp dụng một số kinh nghiệm rèn kĩ năng viết văn nghị luận xã hội vào việc dạy-học các tiết học thuộc kiểu bài văn nghị luận nói chung và văn nghị luận xã hội nói riêng trong chương trình Ngữ văn 9. Bản thân tôi nhận thấy những kinh nghiệm mà mình đã áp dụng thực sự đem lại hiệu quả và được đồng nghiệp ủng hộ, đánh giá cao.Từ đó tôi đã cố gắng học hỏi thêm và hoàn thành thành đề tài sáng kiến kinh nghiệm và mạnh dạn chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp “Kinh nghiệm rèn kĩ năng viết văn nghị luận xã hội cho học sinh lớp 9. Qua đó giúp cho học sinh lớp 9 nắm vững hơn phương pháp làm kiểu bài này, với mong muốn giúp các em nắm vững hơn phương pháp làm kiểu bài này để nâng cao chất lượng bài kiểm tra, bài thi tuyển sinh vào lớp 10 và còn rèn cho các em tự tin thể hiện quan điểm, ý kiến của mình trước những vấn đề phong phú của xã hội.
16:15 31/10/2018
Vừa qua, Trường THCS Diễn Lâm đã tổ chức Hội thi sáng tạo KHKT dành cho học sinh THCS năm học 2018 - 2019. Hội thi đã thu hút được đông đảo các em học sinh và có nhiều sản phẩm tham gia dự thi. Nhà trường đã lựa chọn sản phẩm xuất sắc nhất tham gia Hội thi sáng tạo KHKT cấp Huyện năm học 2018 - 2019 là "Đừng để Hổ biến mất" của hai em học sinh Trần Thị Xuân và Nguyễn Thị Trà My, học sinh lớp 9B. Hổ, còn gọi là cọp, hùm, kễnh, khái, ông ba mươi hay chúa sơn lâm (danh pháp hai phần: Panthera tigris) là 1 loài động vật có vú thuộc họ Mèo (Felidae), và là một trong bốn loại "mèo lớn" thuộc chi Panthera. Hổ là một loại thú dữ ăn thịt sống. Chúng là động vật to lớn nhất trong họ Mèo và là động vật lớn thứ 3 trong các loài thú ăn thịt (sau gấu trắng và gấu nâu) ( Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) Ngày nay, theo thống kê của tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế, trên thế giới chỉ còn khoảng 5000 - 7000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Số lượng loài động vật quý hiếm này hiện nay đã giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm và có nguy cơ tuyệt chủng. Một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng suy giảm số lượng hổ trầm trọng chính là do nạn săn bắn, buôn bán trái phép và sự suy giảm sinh cảnh, nguồn thức ăn của loài hổ, nạn chặt phá rừng nghiêm trọng. Trong đó, hiểm họa lớn nhất với hổ là hoạt động săn bắn buôn bán trục lợi, lấy da, xương, hay các bộ phận khác hoặc dùng để nấu cao, làm thuốc... Điều phi lý là mặc dù không hề có cơ sở khoa học, vậy mà hổ vẫn bị xẻ thịt và tận dụng từng bộ phận để làm thuốc chữa bệnh tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và đặc biệt là tại xã Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Trong những năm gần đây, trên địa bàn xã Diễn Lâm có rất nhiều người dân làm ăn buôn bán ở các nước bạn Lào và các nước lân cận. Để trục lợi có rất nhiều người đã làm ăn phi pháp bằng việc buôn bán và nấu cao hổ, nhiều đối tượng đã bị lực lượng công an phát hiện và bắt quả tang, họ đã sa vào lưới pháp luật, vướng vào con đường tội lỗi. Đứng trước tình trạng đó, để có giải pháp bảo vệ hổ khỏi bị tuyệt chủng, khôi phục sinh cảnh cho hổ đảm bảo cân bằng sinh thái và duy trì, phát triển loài động vật quý hiếm này, tránh nạn buôn bán và nấu cao làm thuốc, chúng tôi thực hiện công trình nghiên cứu “Đừng để Hổ biến mất” nhằm góp một phần giải pháp để bảo vệ Hổ. - Ý tưởng nghiên cứu: + Địa phương thường xuyên có tình trạng nuôi nhốt hổ, xẻ thịt hổ, lấy xương hổ nấu cao + Ý thức bảo vệ của người dân, trong đó có rất nhiều học sinh chưa cao. - Lợi ích đề tài mang lại: +Giúp chúng tôi biết nghiên cứu khoa học xã hội, biết vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. + Góp phần bảo tồn loài hổ. - Công việc chính đã thực hiện, kết quả đạt được: Đã thực hiện thành công công trình “Đừng để Hổ biến mất”