Giáo viên không được ăn mặc phản cảm, không gian lận, dối trá

Giáo viên không được ăn mặc phản cảm, không gian lận, dối trá

 09:46 27/04/2019

Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể. Giáo viên không được mặc trang phục phản cảm Đây là một trong những quy định được nêu ra tại Thông tư 06/2019/ TT- BGDĐT về Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên vừa được Bộ GD&ĐT ký ban hành ngày 12/4, chính thức có hiệu lực từ ngày 28/5. Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục theo chuẩn mực đạo đức xã hội và thuần phong mỹ tục của dân tộc, phù hợp với đặc trưng văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn của cơ sở giáo dục; ngăn ngừa, xử lý kịp thời, hiệu quả các hành vi tiêu cực, thiếu tính giáo dục trong cơ sở giáo dục. Xây dựng văn hóa học đường; đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường. Theo đó, Quy tắc ứng xử chung được áp dụng đối với: Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, giáo viên, nhân viên, người học…. cụ thể như sau: Thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân, của công chức, viên chức, nhà giáo, người lao động, người học. Thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, quan tâm chia sẻ và giúp đỡ người khác. Bảo vệ, giữ gìn cảnh quan cơ sở giáo dục; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, xanh, sạch, đẹp. Cán bộ quản lý, giáo viên phải sử dụng trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường và hoạt động giáo dục; nhân viên phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục và tính chất công việc; người học phải sử dụng trang phục sạch sẽ, gọn gàng phù hợp với lứa tuổi và hoạt động giáo dục; cha mẹ người học và khách đến trường phải sử dụng trang phục phù hợp với môi trường giáo dục. Không sử dụng trang phục gây phản cảm. Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội. Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục. Không gian lận, dối trá, vu khống, gây hiềm khích, quấy rối, ép buộc, đe dọa, bạo lực với người khác. Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể. Trong đó, quy định ứng xử đối với giáo viên bắt buộc phải: Ứng xử với người học: Bằng ngôn ngữ chuẩn mực, dễ hiểu, khen hoặc phê bình phù hợp với đối tượng và hoàn cảnh; mẫu mực, bao dung, trách nhiệm, yêu thương; tôn trọng sự khác biệt, đối xử công bằng, tư vấn, lắng nghe và động viên, khích lệ người học; tích cực phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Không xúc phạm, gây tổn thương, vụ lợi; không trù dập, định kiến, bạo hành, xâm hại; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi vi phạm của người học. Ứng xử với cán bộ quản lý: Ngôn ngữ tôn trọng, trung thực, cầu thị, tham mưu tích cực và thể hiện rõ chính kiến; phục tùng sự chỉ đạo, điều hành và phân công của lãnh đạo theo quy định. Không xúc phạm, gây mất đoàn kết; không thờ ơ, né tránh hoặc che giấu các hành vi sai phạm của cán bộ quản lý. Ứng xử với đồng nghiệp và nhân viên: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, thân thiện, cầu thị, chia sẻ, hỗ trợ; tôn trọng sự khác biệt; bảo vệ uy tín, danh dự và nhân phẩm của đồng nghiệp, nhân viên. Không xúc phạm, vô cảm, gây mất đoàn kết. Ứng xử với cha mẹ người học: Ngôn ngữ đúng mực, trung thực, tôn trọng, thân thiện, hợp tác, chia sẻ. Không xúc phạm, áp đặt, vụ lợi. Ứng xử với khách đến cơ sở giáo dục: Ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng. Không xúc phạm, gây khó khăn, phiền hà.

Mã Thị Hoa - tác giả SKKN "Rèn kĩ năng viết văn nghị luận xã hội cho học sinh lớp 9"

SKKN TRƯỜNG THCS DIỄN LÂM-1

 09:49 11/04/2019

Môn Ngữ văn trong nhà trường THCS từ lâu đã là môn học có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng, thiết thực đối với học sinh. Nhưng dạy học như thế nào cho có hiệu quả cao, tạo sự hứng thú say mê môn học cho học sinh quả là một vấn đề rất lớn, là mối quan tâm từ các nhà quản lí giáo dục đến giáo viên cùng toàn xã hội. Mặc dù đã có nhiều đổi mới trong phương pháp dạy học, song một thực tế ở môn Ngữ văn hiện nay trong nhà trường THCS vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong đó phân môn tập làm văn được xem là khó vì thực chất kĩ năng làm bài của HS rất hạn chế. Khi viết bài theo yêu cầu đa số HS rất lúng túng không biết phải viết cái gì và viết như thế nào.Chương trình Ngữ văn THCS tập trung vào 6 kiểu bài, bao gồm: miêu tả, tự sự, biểu cảm, thuyết minh, hành chính công vụ.Kiểu bài nào cũng cần phải rèn luyện cho HS kĩ năng viết bài, nghĩa là kĩ năng tạo lập văn bản. Trong sáu kiểu bài đó thì kiểu bài nghị luận là kiểu bài mà HS gặp nhiều khó khăn khi tạo lập một văn bản đảm bảo thuyết phục được người đọc(người nghe).Văn nghị luận là loại văn được viết ra nhằm xác lập cho người đọc, người nghe một tư tưởng nào đó đối với các sự việc, hiện tượng trong đời sống hay trong văn học bằng các luận điểm, luận cứ và lập luận. Có hai kiểu bài nghị luận, đó là nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Trong những năm gần đây kiểu bài nghị luận đã trở thành tiêu chí đánh giá đối với học sinh không chỉ trong những bài kiểm tra, thi học sinh giỏi, thi vào lớp 10 và ngay cả thi tốt nghiệp THPT rồi đến kì thi Đại học. Như chúng ta đã biết trong cấu trúc đề thi thuộc môn Ngữ văn lớp 9 từ kì thi khảo sát chất lượng cuối năm, thi tuyển sinh vào lớp 10, thi học sinh giỏi các cấp đều có hai phần, cụ thể là phần đọc-hiểu và phần làm văn. Trong đó phần làm văn tập trung vào hai kiểu bài nghị luận đó là nghị luận xã hội và nghị luận văn học chiếm khoảng từ 70% đến 80% số điểm của toàn bài thi. Văn nghị luận xã hội đặc biệt được chú trọng, kiểu bài này yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội theo yêu cầu. Rèn kĩ năng viết văn nghị luận xã hội giúp học sinh không chỉ hoàn thiện kĩ năng trình bày quan điểm của mình, mà còn cung cấp tri thức vô cùng phong phú về những vấn đề xã hội. Thế nhưng thách thức đặt ra đối với học sinh và giáo viên cũng không phải là nhỏ. Bởi vì học sinh vốn đã ngại viết văn và thường phụ thuộc tài liệu, làm bài thì còn sao chép nhiều , kiến thức về xã hội còn hạn chế, tài liệu tham khảo nghị luận xã hội không nhiều, kĩ năng làm bài chưa thuần thục, dung lượng một bài không được quá dài, chỉ được viết trong một thời gian ngắn về một vấn đề trong cuộc sống chứ không phải cố định ở một văn bản trong sách giáo khoa...Tất cả những điều đó tạo nên áp lực, gây khó khăn cho học sinh. Là một giáo viên đã nhiều năm trực tiếp giảng dạy môn Ngữ văn lớp 9, theo sát công cuộc đổi mới của ngành. Trước thực tế đó, tôi thiết nghĩ cần phải chia sẻ những kinh nghiệm rèn luyện cho HS viết văn nghị luận xã hội đạt kết quả cao để bạn bè đồng nghiệp có thể vận dụng trong dạy học kiểu bài nghị luận xã hội ở môn Ngữ văn lớp 9. Với sự trăn trở tìm tòi trong quá trình giảng dạy tôi đã áp dụng một số kinh nghiệm rèn kĩ năng viết văn nghị luận xã hội vào việc dạy-học các tiết học thuộc kiểu bài văn nghị luận nói chung và văn nghị luận xã hội nói riêng trong chương trình Ngữ văn 9. Bản thân tôi nhận thấy những kinh nghiệm mà mình đã áp dụng thực sự đem lại hiệu quả và được đồng nghiệp ủng hộ, đánh giá cao.Từ đó tôi đã cố gắng học hỏi thêm và hoàn thành thành đề tài sáng kiến kinh nghiệm và mạnh dạn chia sẻ với bạn bè đồng nghiệp “Kinh nghiệm rèn kĩ năng viết văn nghị luận xã hội cho học sinh lớp 9. Qua đó giúp cho học sinh lớp 9 nắm vững hơn phương pháp làm kiểu bài này, với mong muốn giúp các em nắm vững hơn phương pháp làm kiểu bài này để nâng cao chất lượng bài kiểm tra, bài thi tuyển sinh vào lớp 10 và còn rèn cho các em tự tin thể hiện quan điểm, ý kiến của mình trước những vấn đề phong phú của xã hội.

ALBUMS ẢNH
VIDEO SỰ KIỆN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây