GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐẠI TRÀ MÔN NGỮ VĂN
TRONG NHÀ TRƯỜNG THCS GIAI ĐOẠN HIỆN NAY
Kính thưa.....
Được sự phân công của hội nghị, sau đây tôi xin được trình bày về tham luận “ Giải pháp nâng cao chất lượng đại trà môn Ngữ văn ”. Đây chỉ là một tham luận mang tính chất cá nhân, đúc rút từ kinh nghiệm trong quá trình dạy học nên rất mong quý thầy cô và đồng nghiệp chia sẻ đóng góp ý kiến để tham luận được hoàn thiện và có ý nghĩa sâu sắc trong việc nâng cao chất lượng đại trà môn Ngữ văn hiện nay trong nhà trường .
I.Tình hình môn Ngữ văn hiện nay trong nhà trưòng THCS
1. Thuận lợi
- Môn Ngữ văn là môn học có tính chất đặc thù và có vai trò rất quan trọng trong nhà trường, là bộ môn đóng vai trò quan trọng để hình thành cho HS về kiến thức- kĩ năng, là môn học có ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi tuyển sinh .
- Chúng ta có đội ngũ vững chắc về chuyên môn cốt cán, dày dạn về kinh nghiệm dạy học, nhiệt tình hăng say và trăn trở với chuyên môn, với nghề ngiệp của mình .
- Trong các bộ môn khoa học xã hội, môn Ngữ văn là bộ môn được các bậc phụ huynh, HS quan tâm chú ý; là môn đựơc sự quan tâm chú trọng của các cấp quản lí.
2.Khó khăn
- Trong những năm qua do đặc thù của bộ môn KHXH nói chung và bộ môn Ngữ văn nói riêng là đầu vào và đầu ra của nghề nghiệp rất ít, chủ yếu là các môn tự nhiên nên đây là khó khăn lớn nhất khi thực hiện nâng cao chất lượng.
- Do đặc thù của bộ môn nên nảy sinh nhiều vấn đề trong quá trình dạy học cũng như học tập ( Như còn nặng về lí thuyết, còn dài dòng về chữ nghĩa khi cần diễn đạt một vấn đề mà với tâm lí của người học nói chung thì đây là vấn đề ái ngại vì họ muốn ngắn gọn, muốn thu nhận liền và hạn chế tính sách vở )
- Do GV trong quá trình dạy học chưa có khả năng thu hút được sự chú ý học tập của HS, còn thiếu về năng lực chuyên môn.
- Hiện nay việc đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn ở nhiều giáo viên chưa thực sự được đổi mới, còn mang tính hình thức đối phó, chưa thể hiện rõ nét qua từng tiết học. Đặc biệt, một số GV còn có tư tưởng chủ nghĩa trung bình, buông xuôi theo kiểu học được thì học không học được thì thôi, chưa thực sự quan tâm nhiệt tình trong công tác giảng dạy.
- Trong đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn còn nảy sinh những vấn đề sau:
+ Việc đổi mới PP dạy học ngữ văn, đặc biêt là chú ý dạy kĩ năng, “cách học” cho học sinh; phương pháp củng cố, khắc sâu kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức, kĩ năng muốn đạt được hiệu quả thì phải thực hiện thường xuyên, liên tục, nó là cả quá trình chứ không phải ngày một ngày hai ( ngắn gọn là vấn đề cả quá trình dài về thời gian, như mưa dầm thấm mới sâu, không nóng vội được )
+ Việc đổi mới PP dạy học trải qua rất nhiều khâu, nhiều công đoạn của quá trình dạy học ( Như khâu chuẩn bị ->Thực hiện ->kiểm nghiệm-> kết quả -> đánh giá rút kinh nghiệm .. trong đó khâu nào cũng cần thiết .)
+ Việc đổi mới PP dạy học phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, từng đối tượng tham gia ( HS thành phố, thị xã, thị trấn khác HS nông thôn, vùng sâu, vùng xa; HS khá giỏi khác, HS trung bình, yếu kém khác...)
Xuất phát từ thực tiễn trên, để nâng cao chất lượng dạy học môn Ngữ văn, đặc biệt là chất lượng đại trà của bộ môn này, theo tôi cần:
II. Giải pháp nâng cao chất lượng đại trà môn Ngữ văn
1. Trước hết, Gv phải nắm vững kiến thức, thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, nắm vững các khả năng tình huống trong quá trình dạy học có thể nảy sinh. Chú trọng việc nắm vững những yêu cầu của việc đổi mới phương pháp dạy học ( Như chương trình sách giáo khoa, các phương pháp dạy học, các kiến thức kĩ năng lồng ghép, tích hợp, cách kiểm tra-đánh giá theo đổi mới, công nghệ thông tin phối hợp và đặc biệt là dạy học sinh tự hình thành được kĩ năng sống và hình thành cách học cho các em ).
2. GV cần xác định cho phụ huynh, HS tầm quan trọng và ý nghĩa của bộ môn Ngữ văn. Định hướng cho các em hiểu môn văn không chỉ cung cấp bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng (đặc biệt kĩ năng sống ) mà nó còn là một bộ môn đóng vai trò quan trọng trong các môn KHXH. Hơn nữa, nó là môn ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập cũng như thi tuyển sinh vào THPT .
3. Trong quá trình dạy học, cần chú trọng đến dạy đúng trọng tâm chuẩn kiến thức kĩ năng, dạy phù hợp đặc trưng bộ môn và đối tượng. Đặc biệt là chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, chú ý hình thành cách học cho học sinh. Muốn vậy, GV cần:
a. Tìm hiểu năng lực và điều kiện hoàn cảnh, tâm tư tình cảm của học sinh
- Đây là việc đầu tiên mà mỗi GV trong quá trình dạy học muốn hiệu quả phải làm. Ngay từ đầu năm học Gv phải nắm bắt được khả năng học tập của các em có thể thông qua nhiều kênh thông tin: Như kết quả học tập năm trước, kiểm tra đầu năm, hay thông tin từ GV dạy năm trước hoặc thông qua bạn bè cùng lớp của HS. Đây là một việc làm rất quan trọng, bởi thông qua việc nắm bắt năng lực HS mà GV có thể thực hiện tốt phương pháp dạy học của mình, cũng vì điều này GV có thể dạy học phù hợp với đối tượng .
- Việc nắm bắt được điều kiện hoàn cảnh tâm lí của HS cũng là bước quan trọng bởi thông qua đó chúng ta hiểu được tâm tư tình cảm, nguyện vọng của các em; cũng từ đó mà gần gũi động viên khuyến khích các em học tập tốt hơn.
Việc nắm bắt hoàn cảnh của HS cũng bằng nhiều cách khác nhau: như xem sổ điểm, học bạ năm học trước, hay qua thông tin bạn bè HS, phụ huynh hoặc thông qua sự sẻ chia gần gũi trong nói chuyện tâm tình với các em...
- Sau khi nắm bắt được các thông tin trên GV cần phân loại đối tượng để tổ chức dạy học và hướng dẫn hiệu quả hơn. GV có thể chia theo nhóm HS để HS khá giỏi có thể kèm cặp, giúp đỡ HS yếu kém; đồng thời có thể chia HS theo đơn vị nhóm để các em học tập có hiệu quả ( nhóm đó có thể là theo bàn học hay theo đơn vị xóm,thôn, khối , phường..)
b.GV cần hướng dẫn các em cách thức tiếp cận tài liệu học tập và tài liệu tham khảo như:
- Định hướng Hs về tài liệu chuẩn, đặc biệt là tài liệu tham khảo ( vì hiện nay tài liệu này tràn lan, có những tài liệu viết ra với cái tên rất hấp dẫn nhưng lời văn chỉ là ngôn ngữ cạn nghĩa, thiếu tính văn chương ) điều này làm ảnh hưởng đến cách nhận thức còn non trẻ của các em .
- Hướng dẫn HS cách soạn bài học bài qua tài liệu: Có thẩ coi tài liệu (sách vở ) học tập chính là người thầy thứ hai. Việc hướng dẫn HS học tập thông qua tài liệu là một bước quan trọng để hình thành nên cách học ở HS và cũng là cách thức để các em định hình cho mình mà tìm ra cách học, cũng từ đó các em mới có sự say mê học tập, say mê nghiên cứu tìm hiểu một cách tự giác .
c. Xác định mục tiêu môn học, bài học
- Xác định mục tiêu là một trong những mấu chốt của quá trình dạy học bởi thông qua việc xác định mục tiêu GV có thể nắm được nội dung kiến thức, kĩ năng, các kiến thức lồng ghép tích hợp từ đó mà định hướng ra phương pháp tốt nhất để thực hiện có hiệu quả. Việc xác định mục tiêu cũng cho phép người GV nắm được các khả năng, tình huống sư phạm có thể nảy sinh trong giờ học, tiết học .
d. Thiết kế bài học
- Đây là khâu quan trọng của quá trình dạy học bởi thiết kế có công phu, có đầu tư thì giờ dạy mới hiệu quả. Hiện nay, có một số GV khâu thiết kế còn không được quan tâm đến nơi đến chốn nên chất lượng thấp, còn nặng về đối phó như lấy từ mạng về mà không chỉnh sửa. Ở đây Gv cũng cần vận dụng tốt công nghệ thông tin, giáo án qua mạng nếu biết vận dụng cũng rất hiệu quả vì tham khảo nhiều chúng ta có thể thấy nhiều câu hỏi hay và phù hợp .
- Trong thiết kế cần chú trọng phương pháp được sử dụng trong giờ học, các kĩ năng, kiến thức lồng ghép, tích hợp, các phương tiện thiết bị hỗ trợ , ..
- Đặc biệt trong quá trình thiết kế cần tính toán mọi phương án, tình huống có thể xẩy ra; khi thiết kế cần bám sát đặc trưng của thể loại, của môn học, tiết học; câu hỏi cần chú trọng tính hệ thống và hướng tới lấy vai trò người học làm trung tâm để từ đó mà hình thành được các kĩ năng cần thiết .
- Trong thiết kế cần chú trọng câu hỏi mang tính phân loại: Với HS yếu kém thì dạng câu hỏi dễ hơn, cần có câu hỏi gợi mở phù hợp vừa sức các em, với đối tượng khá giỏi thì cần có những câu hỏi mang tình tư duy, động não sáng tạo ; việc đặt câu hỏi cũng cần tính toán tránh bỏ sót đối tượng .
- Hệ thống câu hỏi trong môn Ngữ văn cũng cần chú trọng hình thành được cách học. Đây là yêu cầu quan trọng nhằm giúp các em hình thành được kĩ năng học về một kiểu bài, dạng bài hay theo đặc trưng thể loại
Chẳng hạn như: trong dạy học văn bản trước đây khi thiết kế phần đọc - hiểu chung văn bản chúng ta thường đi thẳng vào vấn đề như tác giả, tác phẩm ..nhưng để hình thành cách học thì nay chúng ta lại thiết kế bằng câu hỏi như : Để đọc hiểu văn bản này chúng ta phải tìm hiểu vấn đề nào đầu tiên ?
Hay phần kết thúc văn bản phải có câu hỏi khái quát để HS có cách học theo đặc trưng thể loại ...
e. Ở hoạt động dạy- học trên lớp: Đối với môn Ngữ văn Gv phải là người có nghệ thuật sư phạm tốt, vận dụng linh hoạt, mềm dẻo, không cứng nhắc, tạo hứng thú, chú trọng sức tác động vào chiều sâu tâm hồn người học.
Muốn làm được điều này phải vận dụng linh hoạt các phương pháp mới vào dạy học như tạo một giờ học mở, dạy học theo nhóm, dạy học theo mô hình, dạy học nêu và giải quyết vấn đề, thuyết trình hoặc đóng vai...
Trong quá trình thực hiện cần chú trọng, trân trọng khả năng tư duy độc lập sáng tạo của HS, chú trọng vai trò trung tâm ngườì học; GV phải là người hướng dẫn, định hướng HS tự tìm kiếm, tri giác, lĩnh hội kiến thức.
Nắm bắt và vận dụng linh hoạt không khiên cưỡng hoặc máy móc các phương pháp dạy học, các kĩ thuật dạy học, các phương tiện thiết bị hỗ trợ để thực hiện .
Tạo không khí nhẹ nhàng cho giờ học, cần tránh không khí nặng nề của bản thân và gia đình để hòa vào tiết học; trong dạy học cần chú trọng những lời nhận xét đầy trân trọng của GV với HS nghĩa là khuyến khích được sự sáng tạo và động viên được các em.
Chú ý có xoáy lướt các nội dung bài học để HS nắm đựơc những vấn đề quan trọng
Cần chú trọng tất cả các bước lên lớp từ khâu ổn định tổ chức ->bài cũ->tạo tâm thế vào bài mới ->bài mới-> hướng dẫn luyện tập...
Khi lên lớp GV cũng cần chú trọng đề cập đến tất cả các đối tượng, không bỏ rơi các em. Với em yếu kém cần có câu hỏi dễ và khi các em trả lời được thì chú ý động viên khích lệ, với HS khá giỏi cần chú ý câu hỏi tư duy sáng tạo. Khi HS tham gia trả lời cần chú ý lắng nghe và điều chỉnh những sai sót kịp thời, điều chỉnh từ các khả năng: nghe, đọc, nói cho đến viết.
g.Khâu kiểm tra đánh giá: Thực hiện theo phương án mở ( như đề mở đáp án mở ), ngoài ra cần chú trọng tính đa chiều GV-HS,HS-GV, HS-HS để từ đó có mối liên hệ đánh giá qua lại sâu sắc hơn. Kiểm tra đánh giá phải công bằng và bằng nhiều hình thức ( bài cũ, bài tập các dạng ), kiểm tra đánh giá cũng cần tuân thủ theo ma trận đề đã được xác lập ở các cấp độ tư duy khác nhau ( như nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp hay cao, phân tích, sáng tạo ) tùy vào đối tượng để có đánh giá phù hợp và đảm bảo tính toàn diện và công bằng .
GV cần chú trọng việc trả bài cho các em, bởi qua công tác trả bài chu đáo sẽ giúp các em điều chỉnh thiếu sót trong bài làm của mình. GV cần có những lời phê mang tính động viên khuyến khích, tránh những lời phê làm các em mất đi hứng thú học tập hoặc làm thui chột sự sáng tạo của các em. Chú trọng những lời nhận xét mang tính văn chương, trân trọng .
Trong khi trả bài cũng cần chú trọng việc hướng dẫn, định hướng cách trả lời, cách thức trình bày.
Qua mỗi lần kiểm tra đánh giá cần xem xét sự tiến bộ của các em, trân trọng sự tiến bộ đó dù là rất nhỏ. Đặc biệt, chú trọng việc động viên khích lệ qua mỗi lần các em được kiểm tra đánh giá.
h. Đánh giá rút kinh nghiệm: Để có được tiết học tốt, dạy học hiệu quả thì GV cần rút ra những bài học những kinh nghiệm sau những giờ lên lớp( có thể từ bản thân, từ đồng nghiệp, hay từ Hs).
Bài học kinh nghiệm sau mỗi tiết dạy học, sau mỗi giờ học là một trong những bài học mà chúng ta thu nhận được để từ đó đúc rút thành bài học cho cả quá trình dạy học lâu dài. Rút kinh nghiệm cho bản thân thì mới tích lũy được kinh nghiệm và mới vững chắc và lớn hơn trong chuyên môn .
4. Công tác bồi dưỡng và phụ đạo học sinh yếu kém
Để hỗ trợ tốt và hiệu quả cho công tác bồi dưỡng HS khá giỏi và phụ đạo học sinh yếu kém chính là thực hiện tốt các khâu đã nói trên đồng thời yêu cầu người GV phải có sự nhiệt tình, chịu khó. GV phải thường xuyên trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, phải tận tâm với nghề, có hiểu biết sâu rộng .
Trong hoạt động này GV cũng cần chú ý các khâu từ phát hiện đến cách thức bồi dưỡng hay phụ đạo. Cần chú trọng hình thành cách học cho các em bằng nhiều cách như hướng dẫn các em nắm kiến thức cơ bản, kiến thức lồng ghép, tích hợp từ đó mà nâng cao dần lên. Chú trọng tính tự giác học tập bằng việc thực hành các bài tập từ thấp lên cao. Ở môn Ngữ văn cũng cần giúp các em tiếp cận với những cái mới cái hay ở thông tin đại chúng hay ngoài xã hội. Chú trọng hình thành các kĩ năng nghe đọc, nói, viết hiệu quả. Chú ý điều chỉnh những sai sót của các em trong tất cả các giờ lên lớp hay kiểm tra đánh giá .
Cần phối kết hợp tốt gia đình – nhà trường –xã hội để động viên khuyến khích các em học tập tốt. Có những hình thức khen thưởng kịp thời để khích lệ các em tiến bộ.
Đặc biệt ở đối tượng HS yếu kém thường có những em thuộc đối tượng đặc biệt,GV cần quan tâm tìm hiểu tâm tư tình cảm, hoàn cảnh để từ đó lựa chọn những cách thức giáo dục các em. Một trong những cách thức đó là luôn gần gũi, động viên quan tâm, hiểu các em và cùng với đó là sự phối hợp với bạn bè HS, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, GV bộ môn, với tổ chức đoàn, đội, hội phụ huynh, với ban giám hiệu hay các tổ chức đoàn thể của xã phường trong các kì giao ban để thông báo với khối, xóm cùng giáo dục các em tiến bộ.
Trong dạy học, đối với HS khá giỏi thì cần có những câu hỏi những kiến thức mang tình tư duy cao, đánh giá cũng cần chú ý tính sáng tạo của các em miễn là phù hợp; đối với học sinh yếu kém chúng ta phải từ từ không nên nóng vội mà cung cấp kiến thức đến với các em một cách dồn dập, phải tinh giản làm sao cho dễ nhớ, dễ thuộc nhất thì khi đó mới có kết quả thành công
Tóm lại, nâng cao chất lượng đại trà môn Ngữ văn cũng như các môn học khác là cả một quá trình thực hiện bền bỉ lâu dài, phải thực hiện cả từ hai phía giáo viên và học sinh. Trong đó Gv đóng vai trò quan trọng để tìm ra cách dạy học hiệu quả nhằm lôi cuốn người học vào quá trình dạy học. Với việc làm này đòi hỏi GV phải thực hiện tốt tất cả các khâu: Từ tìm hiểu đối tượng, phân loại đối tượng ->thiết kế -> tổ chức dạy học->kiểm tra đánh giá, đúc rút kinh nghiệm ->bồi dưỡng, phụ đạo.
Trên đây, là một trong những bài học, là cách thức mà bản thân trong quá trình dạy học nhiều năm đã thực hiện có hiệu quả. Song việc dạy học là một nghệ thuật, bởi thế sẽ có nhiều giải pháp, nhiều cách thức khác nhau, nhiều con đường để đi đến thành công nên rất mong quý thầy cô và đồng nghiệp đóng góp ý kiến để tham luận này được hoàn thiện hơn, góp phần đưa nền giáo dục huỵên nhà đạt kết quả ngày một cao hơn .
Cuối cùng tôi xin kính chúc các thầy trong ban lãnh đạo phòng GD cùng các thầy cô giáo mạnh khỏe và hạnh phúc
Xin chân thành cảm ơn !
Tác giả bài viết: Ngô Đình Thúy
Những tin mới hơn